Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác Giả





Thiên Ân

Houston, TX


 




VÀI Ý NGHĨ THÔ THIỂN
VỀ MỘT CON NGƯỜI
PHI THƯỜNG:

“THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG”






Ngày 30 tháng tư hàng năm đến rồi đi. Có vẻ như đã chẳng để lại trong lòng chúng ta điều chi quan trọng mấy. Ít nhứt cũng là ở ngoài mặt. Nhưng có thật là trong lòng chúng ta cũng bình thản như ngoài mặt không? Có thể là không. Ít nhứt cũng là đối với một số người. Tâm cảm của loài người chúng ta thường phức tạp. Nhứt là đối với những người đã từng trải qua nhiều cay đắng trong giai đoạn được gọi là “đổi đời” từ sau năm 1975. Cho dẫu không cố phóng đại thì cũng không thể nào nói rằng tai trời ách nước xảy đến cho mọi người chớ nào phải của riêng ai, tại sao lại cứ phải ôm thù hận trong lòng?. 32 năm đã qua rồi. Còn gì nữa. Điều đó thật chẳng sai. Thời gian quả là một liều thuốc hữu hiệu. Nhưng cũng như mọi thứ thuốc khác: có người được chữa lành và có người không bao giờ lành. Sự thể xảy ra đối với những người đó có thể quá đột ngột, hoặc quá kinh khiếp đến nỗi đã tạo một vết hằn đủ sâu – vết thương do đó đương nhiên được coi là lành sau hơn 30 năm – nhưng lại sâu đến mức không bao giờ thôi nhức nhối, hay hết còn là một nhắc nhở.

Lý do dẫn đến những thương tật đó đã được quá nhiều người nói tới quá nhiều lần cho nên không cần phải nhắc lại nữa. Điều cần biết – và đáng làm – chỉ là mọi người đều nên tôn trọng những nỗi đau đó và đồng thời tôn trọng cả những hậu quả do nỗi đau triền miên đó mang đến cho họ. Có thể là những hận thù dai dẳng. Có thể là những bứt rứt không nguôi. Có thể là một cố gắng đè nén để còn thời giờ mà sống và kiếm sống. Trong vài trường hợp hãn hữu - ở những người đầy tâm từ tâm bi và hết sức đại lượng - thì có thể là tha thứ và rồi quên đi mọi nguyên nhân đã dẫn đến khổ đau và mất mát cho họ. Thậm chí quên đi cả những người đã gây cho họ những đau khổ mà có lúc - có thể - họ đã thề sẽ không bao giờ đội chung trời. Thù hận hay tha thứ đều xuất phát từ tâm não mỗi người; chịu ảnh hưởng bởi những đày đoạ từng lãnh nhận nhưng không nhứt thiết được quyết định bởi những sự hành hạ đó. Cho nên người chịu tội tù đôi năm – hoặc ngay cả chẳng ở tù ngày nào – cũng không hẳn sẽ hận thù ít hơn người đã suýt táng mạng vì đôi ba mươi năm trong tù.

Trong những phản ứng tiêu biểu vừa dẫn thì thù hận và căm giận là những phản ứng bình thường. Rất người. Nếu chẳng những đã không hận thù mà còn tha thứ những kẻ đã từng hành hạ xác thân mình và gây bao nhiêu đau khổ cho tinh thần mình thì điều đó phải được xếp vào loại phản ứng của những người phi thường. Thậm chí còn là thánh. Hay nếu không thì cũng phải ở một bậc trên người bình thường. Ngày 30 tháng tư năm nào cũng cho chúng ta nhìn thấy sự phân chia đó trong hàng ngũ những người từng có thời được liệt vào danh sách “người tị nạn cộng sản”. Nghĩa là, tập thể có thể nói là keo sơn gắn bó vì cùng có chung một đối tượng phải trốn lánh hồi mấy mươi năm trước, thì bây giờ đã bị phân hoá. Thành một bên là những người còn hận thù và bên kia là những người đã thôi hận thù. Dòng chống đối đã chuyển sang một mấu mốc mới. Nhưng cũng vẫn là liên tục. Trên mặt báo chí đã xuất hiện nhiều bài báo phản ánh tư thế đối nghịch vừa ghi. Rồi qua những hành động thực tế, người Việt ở nước ngoài cũng đã tỏ cho thấy như thế.

Các buổi trình diễn văn nghệ bây giờ thường thu hút hai lớp người tham dự: một số thì bỏ tiền ra mua vé để thưởng thức trong khi một số khác thì bỏ cả công sức lẫn tiền bạc kéo nhau đi biểu tình chống đối. Những chuyến hồi hương để thăm lại quê nhà và thân nhân cũng đưa tới những hậu quả tương tự. Vài trăm ngàn người năm nào cũng kéo nhau về nước để hưởng lại không khí ngày Tết quê hương trong khi cũng có những người chưa từng nhìn lại quê mình sau mấy chục năm xa cách. Người quay về thì chê trách những người bị họ gọi là những thành phần cay cú, cực đoan và chống cộng cứng ngắt trước khi ca tụng những thứ được gọi là tiến bộ và cởi mở mà họ nói là đã chứng kiến trong nước. Nhứt là nếu chỉ nhìn bề ngoài các thành phố lớn. Người nhứt định ngay cả không ngoáy nhìn lại đất nước chừng nào mà vùng đất đó vẫn còn nằm dưới một chế độ mà họ bất ưng thì cho rằng chế độ sở dĩ còn bền vững là vì những hậu thuẫn vô tình của những người nông cạn, chỉ phán đoán từ những hình ảnh phát triển rất bắt mắt nhưng rõ ràng là thuộc loại “phồn vinh giả tạo” đó.

Người về xem chừng đã ngày một đông. Thậm chí có người còn quyết định không quay lại vùng đất tạm dung mà đã có thời họ tranh đấu cho bằng được để đòi đi đến. Cơ ngơi của họ có thời đã mất mát thì nay đang được xây dựng lại, một cách nồng nhiệt phấn khởi và hết mực tin tưởng. Mức độ nồng nhiệt và phấn khởi có lẽ cũng ngang bằng – nếu không hơn – sự náo nức và hi vọng lúc phải từ bỏ mọi thứ mà đi. Không mua được nhà đất ở các thành phố lớn thì họ lùng về tới các thành phố nhỏ. Không mua được ở các thành phố nhỏ thì họ về miền quê. Những người đó, giống như những người vừa cải đạo, có vẻ còn hăng hái hơn nhiều so với những người, vì từ lâu phải sống trong nước, nên chẳng còn cách nào khác hơn là phải vừa tin tưởng vừa ngưỡng phục cái đạo mà họ bắt buộc phải theo. Nói cách khác, người trong nước có khi đã chẳng đặng đừng cảm thấy rụt rè, không hiểu có phải họ không đủ trí tuệ để nhận ra những cái hay cái tốt cái tuyệt vời của chế độ đang cai trị họ hay không? Bởi chưng nếu nhận ra thì họ hẳn là đã chẳng có duyên cớ gì hợp lí để ngày một ngày hai tìm đường ra khỏi chế độ đó cho bằng được, trong khi những đồng bào được coi là đã thấm nhuần nếp sống dân chủ tự do và hẳn là đã phải học cao hiểu rộng lắm, lại từ bỏ cái chốn ở ngoài nước mà nhiều người trong nước đang mơ ước, để quay về xông xáo kiếm chỗ tái định cư.

Nhưng cũng may là nhờ vậy mà có người đã kiếm được tiền hối lộ bằng cách bán đi mảnh đất nho nhỏ mà họ sở hữu. Người không có gì để bán thì chạy đi vay cho đủ số để đút lót những kẻ tự nhận có đủ quyền và thế để đưa họ đi làm lao động đâu đó. Còn nếu không có gì để bán, mà cũng không ai cho vay, thì có người đã bán cả con – hay khuyến khích con mình sử dụng ngay cái vốn trời cho – để tranh cho được một chỗ lánh cư. Dù chỉ để đi làm vợ hờ, làm đầy tớ, làm nô lệ tình dục, thậm chí làm gái mại dâm ... ở Hàn, ở Đài, ở Mã, ở Thái, ở Miên hay ở bất cứ nơi nào, miễn ở ngoài quê hương Việt Nam của họ. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ thế mà tiếp diễn. Nó buồn cười đến độ thê thảm. Buồn cười vì dường như người mình chỉ mãi quẩn quanh. Nhưng thê thảm là vì một dân tộc vốn hãnh tiến như dân Việt bỗng dưng trở thành một đám lưu dân, phải thực sự tha phương cầu thực – thậm chí “bán trôn nuôi miệng” – sau khi đất nước tự khoe là “đẹp bằng năm bằng mười lúc đã sạch bóng quân thù” hơn 30 năm qua. Và khi tình cảnh ngặt nghèo, nhục nhã của các cô gái Việt, biến thành một biểu tượng hết sức đáng hổ thẹn cho cả dân lẫn nước Việt Nam, được phơi bày trên cả báo chí lẫn trên mạng điện tử toàn cầu thì không còn ai dám cười nữa. Mà chỉ thấy buồn, thấy đau cho dân mình và nước mình.

Trước ngày 30 tháng tư Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một hành động nhằm chứng tỏ trình độ văn minh kĩ thuật cao của cá nhân ông và của chế độ mà ông đại diện khi ông đối thoại – gọi là trực tuyến – với mọi người Việt Nam trong ngoài nước. Màn trình diễn rất ngoạn mục. Báo chí trong nước sau đó đã hớn hở khen tặng Thủ Tướng và đã xen vào những lời lẽ ngợi khen đó bằng những dẫn chứng cho thấy hành động đầy tính sáng tạo của Thủ Tướng đã chinh phục – hơn thế nữa – còn chiêu dụ cả những viên chức cấp cao từng có mặt trong guồng máy cai trị của miền Nam Việt Nam. Những người nầy được báo chí trong nước gọi là “trong góc tối” - hay nói rõ hơn là ở một nơi nào đó tại những nước lâu nay cung cấp nơi cư ngụ và một cơ hội làm lại cuộc đời cho họ - bây giờ mới nhìn ra được một khung trời xán lạn nhờ những hành động mang tính bao dung và chào đón của chế độ mà Thủ Tướng đại diện. Những người mà mấy chục năm trước đây lếch tha lếch thếch tới các trại tị nạn bất chợt nhận ra mình sai lầm nhờ Thủ Tướng giúp mở rộng tầm nhìn. Sai lầm không phải chỉ trong việc làm tay sai đế quốc chống lại nhân dân. Mà còn sai lầm khi bỏ nước ra đi lúc đã được giải phóng và rồi nhắm mắt ngồi trong góc tối đó đến cả hơn 30 năm mới nhận ra được vùng trời chói lọi bên kia đại dương và mới hối cải nhờ những lời dẫn dụ trực tuyến của Thủ Tướng. Thủ Tướng đã chứng tỏ sự khoan dung của chế độ bằng quyết định cho người nước ngoài về thăm quê hương, được phép tạo mãi và - quan trọng hơn nữa - được phép trùng tu nghĩa trang quân đội mà nay đã được chánh phủ trả lại cho thẩm quyền dân sự tỉnh Bình Dương. Nhân nhượng đến như thế với những người đã từng mắc nợ máu đối với nhân dân phải được coi là tối trọng và phải được coi là hết sức bất thường đối với quan chức đang bận bịu lo nâng cao uy tín của quốc gia ở nước ngoài bằng những cuộc vận động tỉ như lập lại quan hệ với toà thánh Vatican hay lo hoà giải cả dân tộc bằng cách cho một tu sĩ Phật Giáo lâu nay ở Pháp quay về tổ chức những trai đàn giải oan cho cả những người mà oan ức đáng lẽ không bao giờ nên được giải. Khi một cấp lãnh đạo dám làm những chuyện bất thường như thế thì ông phải là một người phi thường. Và khi chế độ gồm toàn những người phi thường như Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thì chế độ đó nhứt định không phải là một chế độ đáng bị chống đối hay thù hận.

Ấy, bây giờ đã có những người gốc tị nạn tinh tuệ, học cao, hiểu sâu nhận ra điều đó sau chỉ một cuộc đối thoại trực tuyến của Thủ Tướng. Người trong nước dĩ nhiên đã theo dõi cuộc đối thoại đó. Nhưng khác với những bậc tinh tuệ ở ngoài nước, họ đã không nhận ra những hành động khoan dung đến mức bất thường của những người phi thường cỡ Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cho nên họ vẫn cứ nổi lên chống chế độ, vẫn cứ tranh đấu đòi được hưởng các quyền sống căn bản của con người trong đó gồm cả quyền tự do tín ngưỡng. Chính vì vậy mà chế độ của những người phi thường chẳng còn cách nào khác hơn là phải bịt miệng đưa họ ra toà và bỏ tù họ cho tới chừng nào họ đồng ý là họ đã được khoan hồng để dần dần – nhờ có nhiều thời giờ suy nghĩ trong tù – mà đi đến chỗ tối thiểu cũng phải dẹp hết mọi thù hận nếu không bắt đầu ca tụng tính siêu việt của chế độ. Cho nên những kẻ bị gán tội tuyên truyền chống nhà nước như các LM Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, nhóm LM Nguyễn Kim Điền; hay như các HT Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ; hay như các LS Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân; hay như các ông Huỳnh Nguyên Đạo, Nguyễn Bắc Truyển, Lê Nguyên Sang; hay như ông Trần Quốc Hiền ... nghĩa là những người đã nằm tù, hay vừa mới bị xử, hay sắp bị bịt miệng đưa ra toà để xử tù ... đều là những người từ lâu vẫn cứ nằm trong góc tối tuy đã ở trong vùng sáng. Thành thử nếu họ có bị đưa vào một chỗ tăm tối hơn thì cũng xứng đáng thôi. Điều khó hiểu với những người tài thô trí thiển là tại sao chỉ có một vài người – nghĩa là rất ít – trong cộng đồng cựu nạn nhân Cộng Sản hiểu được sự khoan nhượng đến mức bất thường của những người như Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng??!!. Đa số cứ nghĩ rằng ông Dũng và chế độ đang ra sức bịt mắt mọi người trước khi diễn tuồng “đảng cử dân bầu” vào ngày 20 tới đây. Càng khó hiểu hơn nữa khi thấy hình như các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền thế giới, như Amnesty International, Human Rights Watch hay Uỷ Ban Tự Do Tín Ngưỡng tại Quốc Hội Mỹ, vẫn cứ nhứt mực hài tội chà đạp nhân quyền của chế độ. Có lẽ những người trong các nhóm đấu tranh vừa ghi cũng đang sống đâu đó trong những góc tối cho nên đã không nhìn thấy những cái hay của chế độ để mà khen ngợi. Có điều là hình như khá nhiều người dân thường trong nước xem chừng như lại đồng ý với họ. Nghĩa là đã nghĩ khác với những người tán tụng ông Dũng, coi ông là một người phi thường.

Người lái taxi vẫn sẵn sàng chỉ cho thấy những bất động sản đồ sộ cho là của Thủ Tướng và gia đình ông ở mọi nơi trong nước, từ Hà Nội qua Saigon đến Cần Thơ – và nhứt là Cần Thơ – nơi xuất thân của Thủ Tướng để chứng tỏ rằng thật ra ông cũng chỉ là một người bình thường – y như tất cả những người rất bình thường khác trong chế độ. Nói rõ hơn, tất cả đều chí thú lo cho hậu vận của mình và gia đình. Cho nên vì vậy mà người dân trong nước – xin nhấn mạnh là người trong nước – chê chế độ nhiều hơn khen mặc dầu họ rất muốn khen. Như dân Nhật đã nức nở khen ngợi và tri ân chánh phủ hậu chiến đã đưa Nhật lên địa vị một cường quốc kinh tế trong vòng chỉ có 20 năm từ một lãnh địa nát tan vì bom, kể cả bom nguyên tử. Liệu có phải vì các chánh phủ Nhật Bản cầm quyền từ sau năm 1945 gồm toàn những người phi thường hơn Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chăng?. Câu trả lời có lẽ chỉ có thể xuất phát từ những người tinh tuệ đã nhìn thấy bản chất phi thường của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và những người như ông thôi. Đa số còn lại đều thuộc loại “tối”, không nhìn thấy quyết định giao lại nghĩa trang quân đội Biên Hoà cho thẩm quyền dân sự tỉnh Bình Dương, cho một tu sĩ tay sai của chế độ về nước lập đàn để gọi là giải oan, hay tới thăm ĐGH Biển Đức Thập Lục để tỏ ý muốn lập lại quan hệ với Toà Thánh ... là ghê gớm gì lắm. Cho nên vì thế mà họ vẫn cứ chỉ trích nhiều hơn là ngợi khen. Nghĩ cho cùng thì cũng khó mà tâng bốc được một người chủ trì việc cầm tù bất cứ công dân nào dám đòi các quyền sống căn bản, coi người ấy là một người phi thường. Nếu có vì thế mà bị gán cho là cố chấp, hay cực đoan, hay tăm tối ... thì cũng chỉ biết đành chịu mà thôi.






Mục Lục | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com